Độc đáo Lễ hội rước "ông lợn" làng La Phù
Sử sách ghi lại, hội rước lợn tưởng nhớ công ơn của Đức Thành hoàng Tĩnh Quốc Tam Lang thời Hùng Duệ Vương thứ 6. Theo truyền thuyết xưa kia trước khi lên đường đi đánh giặc, Tĩnh Quốc Tam Lang lại mổ lợn, thổi xôi khao quân, người dân trong làng thường mang lợn đến dâng và tôn ông là Thành hoàng làng. Ông được vua Lê Đại Hành, vua Trần Thái Tông, vua Lê Thái Tổ và vua Quang Trung ban sắc phong. Vị lạc tướng tài ba đã "về trời" vào lúc 0 giờ đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng Giêng. Tục rước ông lợn được tiếp nối từ thời này sang thời khác và đã trở thành niềm tự hào của người dân làng La Phù.
Lễ hội rước "ông lợn" xã La Phù
Lợn được chọn theo tiêu chuẩn khắt khe và cầu kỳ. Đối với mỗi gia đình, việc được chọn để nuôi và rước ông lợn là một niềm vinh hạnh lớn bởi quy trình tuyển chọn này rất gắt gao. "Ông lợn" được ăn đồ mới, ăn hoa quả, cháo, ngày lạnh được đốt sưởi cho ấm. Đến ngày hội, gia chủ thắp hương khấn để lợn tự đi theo, không được trói buộc. Dân làng La Phù thức xuyên đêm chơi hội. Mỗi gia đình tham gia rước lợn đều phấn đấu năm mới sẽ nuôi thêm được những "ông lợn" đạt tiêu chuẩn, phục vụ lễ hội các năm sau. Nếu có "ông lợn" nào bỏ ăn, ốm, gia đình được chọn nuôi phải mang lễ ra đình làng cầu khấn. Trong quá trình rước các "ông lợn" về đình, mỗi thôn xóm biểu diễn màn múa sư tử sôi động.
Hội làng Ngãi Cầu – An Khánh: Cả làng trải chiếu hoa ra đường, 'xin lộc' từ kiệu Thánh
Không kém phần độc đáo đó chính là lễ hội làng Ngãi Cầu – An Khánh với tục trải chiếu hoa ra đường, 'xin lộc' từ kiệu Thánh cầu mong năm mới được bình an và gặp nhiều may mắn. Chiếu trải dọc theo trục chính của thôn Ngãi Cầu từ đình đến quán. Đây cũng là đường mà kiệu Thánh đi qua.
Theo ngọc phả do Viện Hàn Lâm Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn từ thời Lê Thánh Tông, Đình Ngãi Cầu được xây dựng vào những năm 1460 – 1497 với quy mô nhỏ, sau đó được tôn tạo to đẹp hơn vào năm 1670, thời vua Lê Huyền Tông, niên hiệu Cảnh Trị. Đình hiện còn lưu giữ được 14 đạo sắc phong của các đời Vua từ thời Lê đến thời Nguyễn và hiện thờ 5 vị Thần hoàng làng gồm: Nữ thần Đức Bản Thổ; 4 vị Tả Tướng quân và Hữu Tướng quân của Đức Tản Viên Sơn Thánh. Dân làng đã đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng 4 Ngài trưởng thành và theo ra trận chống giặc. Sau khi dẹp yên giặc, các Ngài trở lại Ngãi Cầu ban yến cho dân làng, mở tiệc khao quân mừng chiến thắng đúng vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch.
Dân làng Ngãi Cầu trải chiếu hoa ra đường xin lộc Thánh
Để tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ công lao to lớn của Tứ vị Đức Thánh, dân làng Ngãi Cầu đã lấy ngày 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm để mở hội. Đoàn rước gồm 8 cỗ kiệu gồm: Long đình, Hương án, 4 kiệu của 4 vị Tướng đều do các nam thanh niên rước. Riêng kiệu của Nữ thần Đức Bản Thổ và kiệu Luyện sẽ do các cô gái chưa chồng rước.
Lễ hội đền Vật - Cát Quế - Người dân vây kín sới vật
Bộ môn Vật không chỉ xuất hiện ở Cát Quế mà nhiều xã tại Hoài Đức cũng tổ chức giải thi đấu. Nhưng xã Cát Quế là xã duy nhất trong cả nước thờ ông tổ Vật. Trải qua nhiều thế hệ, truyền thống thượng võ vẫn được người dân duy trì và phát huy. Hiện nay, các câu lạc bộ vật dân tộc nơi đây vẫn được duy trì và ngày càng phát triển. Nhiều đô vật trẻ của xã đạt được nhiều thành tích nổi bật trên các đấu trường trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ lễ hội, phần Giải vật dân tộc truyền thống thu hút các đô vật từ mọi miền đất nước về hội tụ tranh tài, hoạt động này lưu giữ nét đẹp văn hóa địa phương và đề cao tinh thần thượng võ của người dân Cát Quế.
Hội Vật Cát Quế thu hút đông đảo người xem
Những sới vật sôi động không chỉ thắp lên niềm đam mê với môn thể thao truyền thống mà còn tuyển chọn ra nhiều vận động viên chất lượng cho đội tuyển vật của Hà Nội, cũng như đội tuyển quốc gia hướng đến đấu trường quốc tế. Cũng từ đây, phong trào vật ở địa phương được gìn giữ, phát triển và thu hút đông đảo người tham gia tập luyện, đặc biệt là trẻ em.
Hội làng Vân Côn - Rước kiệu Thánh phải lội xuống ao
Lễ rước Thánh Quán Thượng Vân Côn, xã Vân Côn để tưởng nhớ Thiên Hoả Lôi Công Đại Vương. 9 chiếc kiệu gồm: 2 kiệu Ông, 1 kiệu Bà, 3 kiệu Long Đình của 3 quán, và 3 kiệu Giáp Quần được rước quanh làng, từ đình Vân Côn về các đền Quán Thượng, Quán Trung và Quán Sông.
Độc đáo rước kiệu thánh lội xuống sông xã Vân Côn
Hơn 300 nam thanh, nữ tú chưa lập gia đình được chọn rước kiệu. Trên đường đi, các đội kiệu đều phải trầm mình xuống ao làng khi rước vòng quanh các thôn trong xã. `Lễ hội kết thúc sau khi cả 9 kiệu được đưa về đình Vân Côn vào chiều muộn.
Hội làng Giá với tích nghiềm quân
Đã thành thông lệ hàng năm, Quán Giá lại tổ chức lễ hội, chính hội vào ngày mùng 10 và kéo dài đến ngày 12 tháng 3 Âm lịch để tưởng nhớ công ơn các vị thành hoàng làng đồng thời giáo dục cho thế hệ con cháu truyền thống và đạo lý uống nước nhớ nguồn cao đẹp của dân tộc.
Lễ nghiềm quân tại Quán Giá – Yên Sở
Điểm độc đáo, thu hút người xem lễ hội làng Giá đó chính là lễ Nghiềm Quân, đây là thời điểm rất quan trọng và linh thiêng trong lễ hội Quán Giá. Theo sử sách để lại, cách đây 1.500 năm, tại Quán thờ, Tướng công Lý Phục Man trên đường đi đánh giặc đã tổ chức "nghiềm quân" tại Quán. Đoàn quân dưới lá cờ do Tướng công chỉ huy sau đó đã đánh thắng giặc ngoại xâm dưới thời nhà Lý. Nhớ công lao to lớn của vị tướng tài, người dân nơi đây phong tướng là Thành Hoàng làng.
Đám rước thường có sự tham gia của hơn 500 trai đinh với Lễ nghiềm quân, chạy theo hình xoáy trôn ốc dưới sự chỉ huy của Người cầm cờ đầu chạy quân. Lễ nghiềm quân phản ánh 1 hình thức luyện quân đánh giặc của dân làng xưa kia.
Trong các lễ hội, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được thể hiện, từ phong tục tập quán, nghi lễ, trang phục, âm nhạc, các trò chơi, đến ẩm thực… Vì thế, lễ hội được coi như một "bảo tàng sống" về văn hóa với rất nhiều sắc thái của các nhóm cư dân trên những địa bàn nhất định. Lễ hội còn góp phần gìn giữ sự đa dạng bản sắc văn hóa của các cộng đồng và các tộc người, đồng thời mở ra cơ hội giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế.